BẾN TRE XÂY DỰNG PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ XANH THÔNG MINH

XÂY DỰNG PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ XANH THÔNG MINH

Theo Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển đô thị tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (ngày 29-1-2021), mục tiêu chung phát triển đô thị tỉnh nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị, đảm bảo tầm nhìn dài hạn, theo hướng đô thị xanh, đô thị thông minh; thích ứng biến đổi khí hậụ, bảo vệ môi trường gắn với du lịch và quốc phòng, an ninh. Huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng phát triển đô thị, đảm bảo nâng cao chất lượng, diện mạo kiến trúc, cảnh quan đô thị theo hướng hiện đại, văn minh, phát triển bền vững, giữ gìn những giá trị bản sắc văn hóa của mỗi đô thị.
Phát triển đô thị xanh
Lịch sử hình thành hệ thống đô thị và khu dân cư nông thôn tỉnh gắn liền với quá trình khai phá vùng đất dọc ven các bờ sông Mỹ Tho, Hàm Luông và Cổ Chiên. Các đô thị trong tỉnh được phát triển song song với quá trình định cư, khai hoang, mở mang phát triển nông nghiệp, xây dựng các kênh mương thủy lợi và đường giao thông vào những năm cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.
Theo ông Nguyễn Văn Tâm - Phó giám đốc Sở Xây dựng, từ ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước (30-4-1975) cho đến nay, từ vị trí là một lỵ sở hành chính với những hoạt động kinh tế, văn hóa còn rất hạn chế, thị xã Bến Tre đã vươn lên đảm nhận vai trò của một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội lớn nhất tỉnh và trở thành thành phố - đô thị loại III vào năm 2009 và đô thị loại II vào năm 2019, tạo tiền đề cho đô thị tiếp tục phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Cụ thể, năm 1975 - 1984: tỉnh có 5 phường (1, 2, 3, 4, 5) và 5 thị trấn (Ba Tri, Bình Đại, Mỏ Cày, Chợ Lách, Giồng Trôm). Sau đó tiếp tục phát triển thêm phường và thị trấn. Đến năm 2007, thị xã Bến Tre được công nhận đô thị loại III và năm 2009 thành lập TP. Bến Tre. Đến nay, toàn tỉnh có có 23 đô thị, gồm 1 loại II, 3 loại IV và 19 loại V; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 20%. Với 1 thành phố, 8 thị trấn. TP. Bến Tre là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh với thời gian thành lập đã 121 năm (1900 - 2021), là nơi chứng kiến nhiều bước thăng trầm của lịch sử; đồng thời có mối quan hệ gắn bó mật thiết với các thành phố lớn như TP. Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long về các mặt kinh tế - văn hóa - xã hội.
TP. Bến Tre có nét đặc trưng riêng, không gian, cảnh quan sông nước, hệ sinh thái đa dạng… vừa là nền tảng, vừa là động lực để xây dựng và phát triển đô thị Bến Tre theo hướng đô thị xanh.
Đến đô thị thông minh
Thực hiện Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 1-8-2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh đã giao UBND TP. Bến Tre phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai thí điểm dịch vụ ĐTTM trên địa bàn TP. Bến Tre trong năm 2020, với các dịch vụ như Hệ thống quản lý phản ánh hiện trường và tương tác trực tuyến (4 nhóm vấn đề: rác thải, tập trung mua bán và lấn chiếm lòng, lề đường, quảng cáo và trật tự xây dựng); dịch vụ giám sát an ninh, giao thông.
Hệ thống trung tâm giám sát dịch vụ ĐTTM tích hợp vào Trung tâm điều hành hệ thống chiếu sáng ĐTTM được đặt tại trụ sở UBND TP. Bến Tre. Theo đó, UBND TP. Bến Tre đã triển khai thực hiện dự án Cải tạo hệ thống chiếu sáng công cộng bằng đèn LED ứng dụng công nghệ IoT. Đồng thời phối hợp với VNPT Bến Tre triển khai thí điểm hệ thống Camera thông minh, lắp đặt tại 3 địa điểm (cầu Hàm Luông, ngã tư Tân Thành và ngã tư Ngô Quyền). Đây là nền tảng xây dựng Thành phố thông minh (Smart City) tại TP. Bến Tre. Đồng thời, triển khai thí điểm phần mềm “TP. Bến Tre trực tuyến”, thông báo đến các cơ quan, tổ chức và nhân dân trên địa bàn thành phố được biết và tiếp nhận thông tin phản ánh qua phần mềm “TP. Bến Tre trực tuyến”.
Trên cơ sở kết quả đạt được, Thành ủy đã xây dựng Nghị quyết số 04 ngày 23-2-2021 về xây dựng ĐTTM giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, đặt ra mục tiêu đến năm 2025: thực hiện thí điểm phát triển ĐTTM trong 5 lĩnh vực: quản lý chiếu sáng; quản lý an ninh trật tự - an toàn giao thông; quản lý môi trường; quản lý thông tin quy hoạch và đất đai; chính quyền số; đồng thời tích hợp các lĩnh vực như y tế, giáo dục… do ngành dọc đầu tư vào Trung tâm điều hành thông minh (IOC). Giai đoạn 2026 - 2030, triển khai nhân rộng phát triển ĐTTM đến các lĩnh vực còn lại, hình thành được mô hình ĐTTM tiên tiến, hiện đại.
UBND TP. Bến Tre cũng đã ban hành Kế hoạch số 1137 để triển khai thực hiện với 5 lĩnh vực thí điểm ĐTTM TP. Bến Tre, gồm: chính quyền số; quản lý chiếu sáng đô thị; quản lý thông tin quy hoạch và đất đai; quản lý môi trường đô thị; quản lý an ninh trật tự - an toàn giao thông. Mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt 27% và đến năm 2030 đạt 45%.
Cần giữ được bản sắc
Tại hội nghị báo cáo chuyên đề “Quy hoạch đô thị gắn với phát triển ĐTTM”, do Tỉnh ủy tổ chức ngày 26-4-2021, Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi cho biết, trong quá trình phát triển đô thị, xây dựng quy hoạch, tỉnh rất mong được các chuyên gia tích cực giúp đỡ, tư vấn.
Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn là người có trên 30 năm kinh nghiệm quốc tế về tư vấn thiết kế, quy hoạch kiến trúc tại châu Á và Bắc Mỹ chia sẻ: Muốn xây dựng đô thị thông minh, tỉnh cần xác định mình nên muốn cái gì, tại sao. Cần giữ được bản sắc của riêng mình vì mất bản sắc là sẽ mất tất cả. Việc có quy hoạch và làm đúng quy hoạch rất quan trọng, bởi nó có ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều thế hệ sau.
“Các vấn đề về quy hoạch tỉnh cần quan tâm là hạ tầng, chuẩn bị ứng phó thế nào với nước biển dâng, phát triển đô thị nông thôn theo những tiêu chí nào… Việc phát triển cần hướng đến mục tiêu là tạo được nhiều công ăn việc làm, phát triển tốt để kéo các nguồn nhân lực ở các nơi khác về tỉnh. Cân nhắc giữa sự phát triển và chi phí bỏ ra để xử lý tác động môi trường”, Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho biết thêm.
Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy đề ra mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh hoàn thành công nhận 8 đô thị loại V các trung tâm xã: Thới Thuận, Châu Hưng (Bình Đại), Tân Phú (Châu Thành), Phước Long (Giồng Trôm), Phú Phụng (Chợ Lách), An Định (Mỏ Cày Nam), Tân Phong (Thạnh Phú), Tân Thành Bình (Mỏ Cày Bắc). Tập trung triển khai xây dựng các tiêu chuẩn đô thị loại I đối với TP. Bến Tre, đô thị loại III (các thị trấn mở rộng Ba Tri, Bình Đại, Mỏ Cày), đô thị loại IV (thị trấn Thạnh Phú, Chợ Lách) đảm bảo cơ bản đạt trên 70% tiêu chuẩn theo quy định.
Giai đoạn 2026 - 2030, công nhận nâng loại 1 đô thị loại I là TP. Bến Tre; 3 đô thị loại III (các thị trấn mở rộng Ba Tri, Bình Đại, Mỏ Cày) và 2 đô thị loại IV (thị trấn Thạnh Phú, Chợ Lách). Hoàn thành công nhận 6 đô thị loại V (các trung tâm xã: An Hiệp, Phú Túc, An Hóa (Châu Thành), Châu Hòa (Giồng Trôm), An Thới (Mỏ Cày Nam), Thanh Tân (Mỏ Cày Bắc).
Cảm Ơn.!

Tin cùng chuyên mục